Bào ngư không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn cho vị thuốc nhục ngư bào có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Bào ngư có các tên gọi khác: Cửu khổng, cửu khổng hoa, ốc khổng, ốc chín lỗ, cửu khẩu, cửu khổng ngư bào.
Danh pháp khoa học: Haliotis Diversicolor Reeve. Thuộc họ Bào ngư – Haliotidae, lớp Túc phúc – Gastropoda, ngành Nhuyễn thể – Mollusca.
Bào ngư là loại hải sản có chân mềm, thân rộng, phần xoắn ốc có hình bầu dục. Bên ngoài, lớp vỏ có chứa nhiều canxi, hơi nhám với các đường vân màu tím xanh. Thân bào ngư dính chặt vào vỏ, trên mép vỏ phía miệng có 9 lỗ thở.
Tác dụng của bào ngư với sức khỏe
Trong Y học cổ truyền, thịt bào ngư khô gọi là nhục ngư bào, còn vỏ bào ngư khô là vị thuốc thạch quyết minh.
Nhục ngư bào có vị ngọt mặn, tính ấm.
Tác dụng: Tăng thể lực, giảm ho, lợi sữa, chữa tiểu đường, tăng cường sinh lực.
Cách làm bào ngư khô: Rửa sạch đất cát, rêu rong bám ở bên ngoài, ngâm rửa với nước muối loãng. Dùng dao tách, cậy lấy phần thịt bên trong, để riêng vỏ và thịt.
Cả 2 phần vỏ và thịt thu được đều đem phơi sấy cho khô. Phần thịt để nguyên con còn phần vỏ có thể tán nhỏ thành bột.
Bào ngư khô cho vị thuốc nhục ngư bào.
Món ăn, bài thuốc chứa nhục ngư bào
– Bào ngư hầm hỗ trợ điều trị cho người lao phổi
Biểu hiện: Bệnh nhân bị ho nóng sốt kéo dài nhiều ngày, gầy sút.
Cách làm:
20g nhục ngư bào khô ngâm và sơ chế, thái thành lát mỏng vừa ăn.
20g hạt sen bỏ tâm sen.
100g thịt lợn nạc rửa sạch, thái lát.
Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi nấu với 500ml nước, hầm nhừ với lửa nhỏ, thêm gia vị vừa miệng.
Ăn ngay khi còn nóng, mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục trong 7 – 10 ngày để hỗ trợ điều trị các triệu chứng lao phổi.
Bào ngư hầm.
– Bào ngư khô chữa hoa mắt chóng mặt
Chuẩn bị: 16g mỗi loại gồm nhục ngư bào, sinh địa, mẫu lệ, 12g mỗi loại bạch thược, nữ trinh tử, ngưu tất, 8g cúc hoa.
Sắc uống và uống chia 02 lần sáng chiều, uống liên tục 7-10 ngày.
– Bào ngư hỗ trợ điều trị bệnh tăng huyết áp, ổn định huyết áp
Nguyên liệu chuẩn bị: Nhục bào ngư 100g, sò huyết 200g, sơn tra 20g và các gia vị khác.
Cách thực hiện:
Nhục bào ngư ngâm với nước cho mềm, cắt thành hai hoặc ba phần.
Sò huyết làm sạch, lấy phần ruột.
Nhặt sạch tỏi và hành khô rồi băm nhuyễn và phi thơm.
Cho bào ngư vào đảo cùng tỏi và hành.
Cho sò huyết, quả sơn tra, bào ngư hầm cùng 400ml nước và ninh cho khi chín nhừ.
Ăn khi còn nóng, mỗi tuần ăn 1 – 2 lần.
Thịt bào ngư được dùng trị ho, hoa mắt, chóng mặt.
Lưu ý khi sử dụng bào ngư khô
– Không dùng với người bị dị ứng với bào ngư. Ăn bào ngư có các triệu chứng như khó thở, đầy bụng, khó tiêu, chóng mặt, nổi mề đay… phải dừng ngay đến cấp cứu tại các cơ sở y tế uy tín.
– Ăn phải bào ngư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ khi ăn vào có thể gây ngộ độc, nhiễm khuẩn đường ruột. Cần phải chọn đúng nhà cung cấp uy tín, bào ngư đảm bảo chất lượng.
– Người mắc bệnh tỳ vị hư hàn tuyệt đối không nên sử dụng nhục bào ngư có thể gây đầy bụng, khó tiêu, bệnh nặng lên.
Cách dùng măng tre làm thuốc
Măng tre không chỉ là thực phẩm mà còn được sử dụng làm thuốc từ lâu đời, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đau đầu, mất ngủ…
Đặc điểm và công dụng của măng tre
Măng tre là chồi non của một số cây thuộc họ tre (Bambusaceae). Chỉ dùng măng cây tre già hay tre mỡ. Măng tre hình nón, phủ bởi những vòng nang cứng, đầu xẻ thành tua ngắn. Người ta thu hoạch măng tre vào mùa Xuân khi chồi nhú khỏi mặt đất cao 15-20cm. Để làm thuốc, lột mo nang, rửa sạch, thường dùng tươi.
Theo Đông y, măng tre có vị ngọt, đắng nhẹ, tính mát bình; có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoạt huyết, khu phong; chủ trị các chứng ho nhiệt nhiều đờm, cảm mạo phong hàn, cửu lỵ (đi lỵ lâu ngày), thoát giang (lòi rom, sa trực tràng), sởi không mọc, giải rượu.
Măng tre có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho
Một số bài thuốc từ măng tre
– Giúp hạ huyết áp, an thần, giảm đau đầu, mặt đỏ, phiền khát: Măng tre 300g, luộc ăn hàng ngày. Hoặc có thể dùng búp tre 60g, hạ khô thảo 24g, hoa hòe 12g, sắc uống.
– Chữa ho do phế nhiệt (phổi nóng): Măng tre 300g, phổi lợn 500g; cho vào nấu chín, chia ăn trong ngày.
– Trị mất ngủ, bồn chồn, ngủ không ngon: Măng tre 300g sắc kỹ lấy nước uống trước khi đi ngủ. Hoặc có thể dùng búp tre non, cỏ bấc đèn, mỗi vị 36g, sắc uống.
– Trẻ mới bị lên sởi, nốt sởi không mọc ra được hoặc mới bị thủy đậu, phát sốt, họng khô, miệng khát d ùng bài: Măng tre 200g, gừng tươi 5 lát, sắc nước uống. Hoặc nấu canh măng tươi với cá diếc cho trẻ ăn.
– Trị kiết lỵ lâu ngày, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, sa trực tràng: Măng tre tươi nấu với gạo tẻ thành cháo ăn.
– Phụ nữ sau sinh lòng bàn chân bàn tay nóng, bồn chồn dùng bài : Búp tre tươi, trúc nhự tươi, mỗi vị 36g; sắc nước uống.
Măng tre hỗ trợ điều trị đau đầu, mất ngủ, tăng huyết áp.
Lưu ý khi sử dụng măng tre
Người tỳ vị hư hàn hoặc đang dưỡng bệnh không nên dùng măng tre.
Trong măng có nhiều calcium oxalate khó tan, nên những người bị viêm thận, sỏi tiết niệu khi sử dụng phải hết sức thận trọng.
Trong măng tươi có một một hoạt chất cyanogenic glycoside có thể gây ngộ độc, Chất cyanogenic glycoside cũng có trong củ sắn tươi. Nếu không luộc chín, cyanogenic glycoside sẽ chuyển hóa thành hydrogen cyanide và có thể dẫn tới ngộ độc.
Cách phòng ngộ độc măng tươi, tương tự như phòng ngừa ngộ độc sắn tươi: Cần ngâm nước kỹ và luộc chín.
Nếu bị ngộ độc, sau khi ăn măng với một số biểu hiện như nhức đầu, lợm giọng, buồn nôn, đau đầu… Trường hợp ngộ độc măng tre nhẹ, có thể dùng rau muống hoặc rau má rửa sạch, giã nát lọc lấy nước uống. Ngoài ra còn có thể dùng rễ cỏ tranh hoặc râu ngô sắc nước uống.