Tôi là F0 đang điều trị tại nhà, uống thuốc molnupiravir. Giai đoạn này tôi lỡ có bầu, thuốc ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?
Tôi đọc trong cam kết sử dụng thuốc có ghi “không mang thai trong thời gian sử dụng thuốc và trong 100 ngày kể từ ngày cuối sử dụng thuốc”. (Đoàn Thúy Vy, 22 t.uổi, Bình Thạnh, TP HCM)
Trả lời:
Molnupiravir là một thuốc kháng virus mới nên tác dụng lâu dài lên thai chưa được biết rõ, khả năng là có thể gây ảnh hưởng đến thai.
Do đó, hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo chống chỉ định sử dụng molnupiravir cho phụ nữ đang có thai và tránh có thai ít nhất 100 ngày sau khi ngưng thuốc, đối với cả nữ lẫn nam. Sau khi sử dụng thuốc molnupiravir, bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai tin cậy.
Nếu lỡ có thai trong thời gian này, thì khả năng cao ảnh hưởng đến thai. Bạn cần tham vấn với bác sĩ sản khoa để có phương án xử trí phù hợp. Để an toàn, có thể bạn cần chấm dứt thai kỳ.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan
Trưởng khoa Y, Trưởng bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP HCM
Hai loại thuốc được Bộ Y tế chấp thuận đưa vào phác đồ điều trị COVID-19
Remdesivir và Molnupiravir là 2 loại thuốc được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, nhiệm vụ giảm tỷ lệ t.ử v.ong, số ca mắc được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, tình hình thực tế, Bộ Y tế liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, thuốc. Dưới đây là các loại thuốc đã được Bộ Y tế chấp thuận và có hướng dẫn cụ thể khi điều trị bệnh nhân COVID-19.
Remdesivir
Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản gửi các đơn vị được phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir kèm hướng dẫn triển khai sử dụng trong điều trị COVID-19.
Theo New York Times, Remdesivir được sản xuất bởi Gilead Sciences với thương hiệu Veklury, là loại thuốc đầu tiên và duy nhất cho đến nay được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị COVID-19.
Remdesivir ban đầu được thử nghiệm như một loại thuốc kháng virus chống lại Ebola và Viêm gan C, nhưng hiệu quả không rõ rệt. Nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng phát các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nó có thể ngăn chặn virus corona sinh sôi trong tế bào. Một thử nghiệm lâm sàng lớn sau đó cho thấy loại thuốc này giúp rút ngắn thời gian hồi phục của những người nhập viện do COVID-19 từ 15 xuống 11 ngày. Ngày 22/10/2020, FDA cấp phép sử dụng Remdesivir cho cho tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 từ 12 t.uổi trở lên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về lợi ích của Remdesivir. Họ cho rằng hiện không có bằng chứng nghĩa nào về mặt thống kê cho thấy Remdesivir thực sự ngăn ngừa t.ử v.ong do COVID-19. Đến tháng 2/2021, dựa trên một thử nghiệm ngẫu nhiên toàn cầu, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận Remdesivir có ít hoặc không ảnh hưởng đến bệnh nhân nhập viện với COVID.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc Bộ Y tế quyết định đưa thuốc Remdesivir vào điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ giúp các bác sĩ có sự lựa chọn liệu pháp điều trị thuốc kháng virus hiệu quả cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Tuy nhiên cho đến nay các nghiên cứu chưa thấy rõ cải thiện tỷ lệ t.ử v.ong khi dùng thuốc này. BS cũng cho rằng, ở nhóm bệnh nhân nguy kịch việc sử dụng loại thuốc này cũng phải rất cân nhắc.
BS Phúc cũng cho biết, Remdesivir chống chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân chức năng thận kém (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút) và những bệnh nhân có men gan alanine aminotransferase (ALT) cao gấp 5 lần giới hạn trên bình thường. Những bệnh nhân suy đa cơ quan và những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn cảm với thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi điều trị với Remdesivir
Khi sử dụng thuốc bệnh nhân có thể có các phản ứng như: tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, chảy mồ hôi, rùng mình, vì vậy trong quá trình dùng, cần lựa chọn truyền chậm trong 120 phút để hạn chế tác dụng không mong muốn.
” Cần lưu ý ngừng dùng Remdesivir khi ALT tăng>10 lần so với trước sử dụng, hoặc tăng ALT đi kèm các biểu hiện của tổn thương chức năng gan trên lâm sàng, cận lâm sàng. Đây là thuốc kháng virus dạng tiêm truyền, cần chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh nhân vì thế người dân không nên tự ý mua thuốc dùng tại nhà” – BS Phúc khuyến cáo.
Được biết, đến nay, 70.000 lọ thuốc Remdesivir phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được Bộ Y tế xuất cấp.
Molnupiravir
Theo New York Times, Molnupiravir (còn được gọi là MK-4482 và trước đây là EIDD-2801) là một loại thuốc kháng virus ban đầu được phát triển để chống lại bệnh cúm. Hai công ty Ridgeback Biotherapeutics và Merck đang hợp tác để phát triển nó như một phương pháp điều trị cho COVID-19.
Các nghiên cứu ban đầu trên tế bào phổi người và trên động vật cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị COVID-19. Không giống như Remdesivir (phải được tiêm tĩnh mạch), Molnupiravir có thể dùng dưới dạng viên uống. Điều đó có thể giúp người bệnh dễ dàng sử dụng như một phương tiện để ngăn chặn bệnh từ giai đoạn sớm.
Nhưng vào tháng 4 vừa qua, Merck và Ridgeback đã thông báo sẽ kết thúc thử nghiệm Molnupiravir ở bệnh nhân nhập viện vì dữ liệu không cho thấy hiệu quả rõ rệt, song sẽ tiếp tục thử nghiệm ở những bệnh nhân không nằm viện.
Từ ngày 16/8, Bộ Y tế phối hợp TP.HCM triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 ngoại trú. Trong đó, ngành y tế sẽ sử dụng thuốc Molnupiravir.
TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm chương trình điều trị tại nhà từ ngày 16/8, dành cho các F0 không triệu chứng, tình trạng vừa đến nhẹ.
Các F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Ngoài ra, bệnh nhân được nhận tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế để tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe, liên lạc với cơ sở y tế trong trường hợp trở nặng.
Tại Việt Nam, viên nang Molnupiravir 400 mg do một doanh nghiệp sản xuất và tài trợ cho Chính phủ hơn 2,3 triệu viên. Số thuốc này được sử dụng điều trị thí điểm cho 116.000 bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng bắt đầu từ ngày 27/8.
Quyết định thử nghiệm lâm sàng pha 1,2,3 trên bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và vừa tại cơ sở y tế, được Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM và Bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành từ 16 – 24/8.
PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất – nghiên cứu viên chính, cho biết, F0 có triệu chứng hô hấp gồm hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi đến khi bắt đầu có viêm phổi, khó thở thì được dùng thuốc. Nếu thuốc giúp cơ thể khống chế được tải lượng virus sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, giảm các biến chứng, từ đó giảm tải cho các tầng điều trị các bệnh nhân nặng.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước đã sẵn sàng cho việc tài trợ những lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều và đến 5/9/2021 sẽ cung cấp tiếp 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg).