Khoảng cách giữa hai mũi vaccine phòng Covid-19 nên theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, nếu mũi hai chậm hơn khuyến cáo cũng không làm giảm hiệu quả của vaccine.
Cụ thể, khoảng cách giữa hai mũi vaccine AstraZeneca là tối thiểu 4 tuần, tốt nhất 8-12 tuần. Hai mũi vaccine Moderna cách nhau tối thiểu 4 tuần. Vaccine Pfizer là hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần. Hai mũi vaccine Sinopharm cách nhau 3-4 tuần.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, những người đã tiêm mũi một loại vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vaccine cùng loại. Người đã tiêm vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna được chỉ định tiêm hai mũi cùng loại. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm trộn mũi hai là vaccine Pfizer. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8-12 tuần.
Nhiều người đang lo lắng sẽ phải tiêm lại từ đầu vì bị quá thời hạn tiêm mũi vaccine thứ hai. Bác sĩ Minh cho biết: “Đến nay vẫn chưa có khuyến cáo tiêm lại từ đầu và việc tiêm trễ không làm giảm hiệu quả của vaccine”.
Bác sĩ lý giải, một nghiên cứu chuyên sâu thực hiện tại Anh về khoảng cách giữa hai mũi của vaccine Pfizer đã tạo ra đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể và đáp ứng của tế bào lympho T. Đây là tế bào rất quan trọng đối với trí nhớ miễn dịch dài hạn và giúp tạo ra kháng thể.
Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 500 nhân viên y tế, đ.ánh giá mức độ kháng thể và lượng tế bào T sau hai liều vaccine Pfizer với khoảng cách thời gian giữa hai mũi ngắn (3-4 tuần, trung bình 24 ngày) và dài (6-14 tuần, trung bình 70 ngày).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với nhóm có khoảng cách tiêm dài, nồng độ kháng thể giảm đáng kể giữa liều đầu tiên và liều thứ hai. Đặc biệt, nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta tạo ra kém hơn sau khi dùng một liều duy nhất và không được duy trì trong khoảng thời gian trước liều thứ hai.
Tuy nhiên, tế bào T được duy trì tốt giữa liều đầu tiên và liều thứ hai. Sau hai liều vaccine, nồng độ kháng thể trung hòa cao gấp đôi. Khoảng thời gian tiêm hai mũi vaccine dài hơn dẫn đến mức kháng thể trung hòa cao hơn sau liều thứ hai, giúp cơ thể chống lại biến thể Delta và các biến thể khác.
“Bất kể lịch tiêm vaccine như thế nào, nghiên cứu cho thấy mức độ kháng thể và tế bào T thay đổi đáng kể ở mỗi cá nhân. Kết quả còn phụ thuộc vào di truyền, tình trạng sức khỏe cơ bản và quá khứ từng tiếp xúc với Covid-19 và các loại virus khác hay không”, bác sĩ Minh nói.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Vero Cell cho người dân phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, ngày 15/8. Ảnh: Thành Nguyễn
Theo bác sĩ Minh, hiện chưa có khuyến cáo chính thức nào từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ hay các Uỷ ban Tiêm chủng của các quốc gia về việc tiêm thêm một mũi nhắc lại (booster) sau khi hoàn tất lịch tiêm tiêu chuẩn với hai mũi vaccine.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 6-12 tháng. Thực tế những trường hợp bệnh nặng nhập viện và t.ử v.ong do Covid-19 đều là những người chưa được tiêm vaccine. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 và nguồn lực vaccine còn nhiều hạn chế, vaccine vẫn được khuyến nghị theo đúng lịch tiêm tiêu chuẩn. WHO sẽ cân nhắc xem xét việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba cho nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu, gồm những người được ghép nội tạng, người đang điều trị ung thư, bệnh bạch cầu, người nhiễm HIV…
Những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, tùy theo quy định từng quốc gia và địa phương, có thể tham gia nhiều hoạt động mà bạn đã làm như trước đại dịch. Tuy nhiên, khi miễn dịch cộng đồng chưa đạt được và để tối đa khả năng bảo vệ cơ thể khỏi biến thể Delta cũng như ngăn chặn việc lây lan virus cho người khác, bác sĩ Minh khuyến cáo người dân vẫn nên tuân thủ 5K ở nơi công cộng, nếu đang ở trong khu vực có khả năng lây nhiễm virus.
Việt Nam phê duyệt vaccine Covid-19 của Sinopharm
Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine Vero Cell của Trung Quốc, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Quyết định phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Vero Cell, Inactivated, được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ngày 3/6. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị đề nghị phê duyệt.
Vaccine Vero Cell được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, mỗi liều 0,5 ml chứa với 6.5U kháng nguyên nCoV bất hoạt, được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc.
Vero Cell được Việt Nam phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế tính đến ngày 29/5, và cam kết về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất, bảo đảm các điều kiện sản xuất vaccine nhập khẩu vào Việt Nam và bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, Viện phối hợp Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cùng đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đ.ánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, xây dựng kế hoạch kiểm định; cung cấp mẫu thử, nguyên vật liệu, hóa chất thử nghiệm và các vấn đề liên quan khác cho việc kiểm định các lô vaccine này trước khi đưa ra sử dụng.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine này cho các cơ sơ tiêm chủng, đồng thời triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vaccine Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Đây là vaccine Covid-19 thứ ba được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp, sau AstraZeneca và Sputnik V.
Vaccine Covid-19 của Sinopharm được Trung Quốc cấp phép vào ngày 24/12 năm ngoái, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5. Hôm 27/5, hãng này công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn ba trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho biết vaccine có hiệu quả 78,1% trong ngăn ngừa các ca Covid-19 có triệu chứng và 73,5% các ca không triệu chứng.
Tính đến đầu tháng 5, ít nhất 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng vaccine Covid-19 của Sinopharm. Tổng số liều đã cung cấp là 200 triệu, sau vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna.