Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại nhà, nếu thấy dấu hiệu này, cần cho con đi viện ngay

Chăm sóc tại nhà, nếu thấy dấu hiệu này, cần cho con đi viện ngay

GiadinhNet – Thông thường, trẻ mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang thậm chí nguy hiểm tính mạng của trẻ.


 Cúm A nguy hiểm như thế nào? Đây là cách phòng biến chứng, ai cũng cần biết Cúm A nguy hiểm như thế nào? Đây là cách phòng biến chứng, ai cũng cần biết

GiadinhNet – Bệnh nhân mắc cúm A đa phần lành tính có thể khỏi trong vòng một tuần, tuy nhiên nếu bệnh không được phát hiện, chữa trị sớm và đúng cách có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, thường phát triển và gây bệnh vào mùa đông xuân ở nước ta. Tuy nhiên, năm nay, theo thông tin tại các Bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh)… đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân mắc cúm A đến khám và điều trị, trong đó có rất nhiều trẻ nhỏ.

Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại nhà, nếu thấy dấu hiệu này, cần cho con đi viện ngay - Ảnh 2.

Nhiều trẻ mắc cúm A phải nhập viện điều trị. Ảnh minh họa

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm nay dịch cúm A có nhiều bất thường. Thông thường bệnh thành dịch ở mùa đông – xuân, khi nhiệt độ, khí hậu thuận lợi cho virus cúm A phát triển. Năm nay, dịch bùng phát vào mùa hè và đang có chiều hướng gia tăng.

Theo đó, hiện Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em đang điều trị hơn 100 bệnh nhi mắc cúm A, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số phải hỗ trợ thở ôxy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)…

Nhận định về sự gia tăng “trái mùa” của cúm A năm nay, các chuyên gia cho rằng, thời tiết biến đổi bất thường khi đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi, phát triển.

Hơn nữa, sau COVID-19, người dân gia tăng nhu cầu đi du lịch, đi chơi, giao lưu tiếp xúc xã hội, tập trung nơi đông người. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số bệnh dịch có nguy cơ bùng phát, trong đó có cúm A. Bởi bệnh này có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt bắn hay dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc và trẻ nhỏ là đối tượng dễ lây nhiễm nhất.

Theo đó, trẻ mắc cúm A thường có triệu chứng như: Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh; ho; viêm họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ; mệt mỏi. Một số bệnh nhi có thể bị nôn mửa và tiêu chảy… Sau 24 – 48 giờ, trẻ bị nhiễm virus cúm có thể biểu hiện các triệu chứng trên và kéo dài 3 – 6 ngày.

Các bác sĩ cho biết, thông thường, trẻ mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang…

Một số dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm A đang có dấu hiệu trở nặng, dễ gây biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng của trẻ như: Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh; co giật; khó thở, thở nhanh.

Do đó, khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được các bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị, chăm sóc đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại nhà đúng cách

Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại nhà, nếu thấy dấu hiệu này, cần cho con đi viện ngay - Ảnh 3.

Theo các bác sĩ, khi trẻ bị cúm A, bố mẹ cần chăm sóc tốt đường hô hấp cho trẻ, thường xuyên vệ sinh mũi, họng, miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ tránh tình trạng lây chéo; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các nguồn bệnh.

Bên cạnh đó, khi bị cúm, trẻ cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên… để tránh lây lan nguồn bệnh; chú ý vệ sinh phòng ốc, chỗ ở sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tối đa nguồn virus gây bệnh.

Ngoài ra, bố mẹ cần tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Chẳng hạn, đối với trẻ còn bú mẹ cần tăng cường cho trẻ bú theo nhu cầu. Đối với các trẻ lớn cần cho trẻ ăn các thức chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu như: cháo, súp. Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giúp trẻ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Tăng cường thực phẩm giàu đạm trong thực đơn để bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ nhanh phục hồi. Nguồn thực phẩm giàu đạm tốt nhất là: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo…

Đồng thời, nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như: nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu… để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật.

Để phòng ngừa cúm A, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn, đặc biệt là trong khi dịch cúm bùng phát, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.

Người được cơ sở y tế xác định mắc cúm A nên nghỉ ngơi, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người để tránh virus lây bệnh sang những người xung quanh.

Ngoài ra, cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là thực hiện tiêm vaccine cúm hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó.

Các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm vaccine cúm hàng năm vào trước mùa dịch, trước tiên là người cao tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi.

N.Mai

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *